Lộ trình Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU

EVFTA-Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh 28 nước thành viên của EU-đã bắt đầu khởi động đàm phán từ T10/2010 và chính thức được ký kết vào ngày 30/06/2018. Trong đó, EVFTA ban đầu đã được thống nhất và tách làm: EVFTA (Hiệp định thương mại tự do) và EVIPA (Hiệp định bảo hộ đầu tư). Đây là hai hiệp định được kỳ vọng sẽ tạo nên một cú huých lớn cho nền kinh tế Việt Nam giai đoạn tiếp theo. Đồng thời đánh dấu một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ hợp tác song phương 30 năm giữa Việt Nam và EU. Sáng ngày 08/06/2020, trong kỳ họp thứ 9-Quốc hội khóa XIV, gần 100% đại biểu quốc hội đã biểu quyết tán thành Nghị quyết phê chuẩn EVFTA và EVIPA.

Theo đó, EVFTA SẼ CHÍNH THỨC CÓ HIỆU LỰC TỪ NGÀY 01/08/2020. Còn EVIPA sẽ cần phải được phê chuẩn bởi Nghị viện của tất cả 27 thành viên EU trước khi chính thức có hiệu lực.

Dưới đây là những cột mốc thời gian quan trọng trong suốt lộ trình vừa qua của EVFTA & EVIPA:

Một số nội dung chính của Hiệp định thương mại tự do EVFTA & EVIPA

Hiệp định EVFTA

Theo Bộ Công thương, Hiệp định EVFTA gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và 1 số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính bao gồm:

  • Thương mại hàng hóa (các quy định chung & cam kết mở cửa thị trường);
  • Quy tắc xuất xứ;
  • Hải quan và thuận lợi hóa thương mại;
  • Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS);
  • Các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT);
  • Thương mại dịch vụ (Gồm các Quy định chung và cam kết mở cửa thị trường);
  • Đầu tư;
  • Phòng vệ thương mại;
  • Cạnh tranh;
  • Doanh nghiệp nhà nước;
  • Mua sắm của Chính phủ;
  • Sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững;
  • Hợp tác và xây dựng năng lực;
  • Các vấn đề về thể chế – pháp lý.

Các nội dung thống nhất trong hiệp định được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam, đa dạng hóa thị trường cũng như các mặt hàng xuất khẩu. Từ đó giúp GDP Việt Nam tăng thêm bình quân từ 2.18% đến 3.25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện); 4.57% – 5.30% (cho 5 năm tiếp theo) và 7.07%-7.72% (cho 5 năm tiếp theo sau đó). EVFTA được xem là một Hiệp định toàn diện, đảm bảo lợi ích cân bằng giữa Việt Nam và EU; trong đó đã tính đến sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên và sự hài hòa với các Quy định của Tổ chức thương mại Thế giới (WTO).

Hiệp định EVIPA

Đối với EVIPA, hiệp định này có 4 chương, 92 điều và 13 phục lục. Nội dung của EVIPA quy định về một số nguyên tắc nhằm đảm bảo Việt Nam có thể phát triển quan hệ với EU dựa trên tinh thần hợp tác bền vững nhưng tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đoàn kết dân tộc; đảm bảo phù hợp với những mục tiêu đã được các bên thỏa thuận theo Hiệp định hợp tác và đối tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA).

EVIPA sẽ thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương. Hiệp định này sẽ tạo động lực để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; đảm bảo an toàn, minh bạch, bình đẳng và thân thiện với các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế. Ngoài ra, EVIPA cũng được kỳ vọng sẽ góp phần giúp Việt Nam thu hút đầu tư trong 1 số lĩnh vực mà EU đang có tiềm năng cũng như thế mạnh bao gồm:

  • Công nghiệp chế biến;
  • Chế tạo sử dụng công nghệ cao;
  • Năng lượng sạch;
  • Năng lượng tái tạo;
  • Các dịch vụ chất lượng cao;
  • Dịch vụ Ngân hàng, Tài chính…

Theo Tạp chí tài chính

Đề xuất tăng 3.500 tỷ đồng Vốn điều lệ cho Agribank

Ngày 08/06/2020, Ông Lê Minh Hưng – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thừa ủy quyền của Thủ tướng đã trình Quốc hội về đề xuất Bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).

Tình hình vốn hiện tại của Agribank

Nguyên nhân của đề xuất trên xuất phát từ việc Agribank – NHTM do Nhà nước nắm 100% Vốn điều lệ nhưng nhiều năm qua vẫn chưa được Nhà nước đầu tư bổ sung Vốn. Trong khi đó, tốc độ tăng tổng tài sản tại Ngân hàng này hiện đang cao hơn tốc độ tăng vốn điều lệ khiến cho tỷ lệ an toàn vốn của Agribank theo đó trở nên suy giảm.

Hiện tại, vốn điều lệ của Agribank đang là 30.591 tỷ đồng. Theo chuẩn mực vốn Basel II, tỉ lệ an toàn vốn hiện nay của Ngân hàng chỉ đạt 6.9%. Con số này không đảm bảo yêu cầu vốn tối thiểu là 8% theo quy định. Từ đó, Thống đốc NHNN cho rằng nếu không tăng ngay vốn điều lệ cho Agribank trong năm 2020 sẽ không thể đáp đủ kịp thời nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Điều này cũng có thể khiến cho mức độ an toàn cũng như mức xếp hạng tín nhiệm từ các tổ chức quốc tế có nguy cơ giảm.

Đề xuất bổ sung vốn của Chính phủ

Với tình hình trên, Chính phủ đề xuất Quốc hội đồng ý bổ sung dự toán chi Ngân sách nhà nước năm 2020 để bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019 tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỉ đồng.

Dựa trên đề xuất này, nếu vốn điều lệ bổ sung được cấp thêm 3.500 tỷ đồng trong Quý 3/2020 thì dư nợ tín dụng của Agribank dự kiến sẽ tăng thêm 60.000 tỷ đồng tương ứng với tổng tài sản tăng thêm 60.000 tỷ đồng.

Về phía Cơ quan thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết Ủy ban tán thành với sự cần thiết tăng vốn cho Agribank và nhất trí với đề xuất của Chính phủ về nguồn vốn bổ sung được lấy từ từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019, đồng thời cần báo cáo Quốc hội về việc bổ sung vào dự toán chi ngân sách năm 2020 để bảo đảm quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, nếu Quốc hội chấp thuận thì đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phải bảo đảm việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank theo đúng thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục quy định về sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách, chỉ đạo Agribank tiếp tục thực hiện các giải pháp tích cực bảo đảm tỉ lệ an toàn vốn theo quy định pháp luật.

Các dịch vụ Karaoke, Vũ trường được phép hoạt động trở lại

Trong cuộc họp Thường trực chính phủ vào sáng ngày 09/06/2020 về công tác phòng chống Dịch Covid-19 và quan điểm phát triển kinh tế- xã hội trong giai đoạn hiện tại, Một số phát biểu kết luận quan trọng được nêu ra trong buổi họp như sau (Theo Báo Chính phủ đưa tin):

  • Khẳng định kết quả đáng trân trọng trong công tác phòng chống dịch của Việt Nam trong thời gian qua;
  • Tiếp tục chủ trương thiết lập trạng thái kinh tế bình thường mới nhưng đồng thời đảm bảo an toàn để phát triển bền vững trong giai đoạn này;
  • Phát triển kinh tế – xã hội trong nước là chính; chuẩn bị sẵn sàng cho việc mở cửa hội nhập trong tương lai gần;
  • Xây dựng Việt Nam thành điểm đến an toàn;
  • Nhấn mạnh việc phòng, chống dịch COVID-19 trên các tuyến biên giới đường bộ, đường biển, đường hàng không, các cửa khẩu;
  • Cần tạo mọi điều kiện & không hạn chế chuyến bay để đưa chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, sinh viên, học sinh, người già… Việt Nam ở nước ngoài về nước; Tăng tần suất chuyến bay đối với người Việt Nam muốn về nước theo yêu cầu.
  • Áp dụng biện pháp cách ly phù hợp nhưng không để người nước ngoài vào Việt Nam lây nhiễm cộng đồng;
  • Đồng ý cho các chuyên gia, nhà đầu tư vào Việt Nam, kể cả công nhân lành nghề để tìm kiếm cơ hội đầu tư và làm việc tại Việt Nam theo địa chỉ. Thủ tướng giao cho UBND các tỉnh, thành phố bố trí địa điểm cách ly có thu phí, tổ chức đón tiếp, xét nghiệm thuận lợi theo quy định.
  • Xem xét việc thu phí cách ly, đặc biệt là thu phí điều trị. Việc đề xuất cách ly, điều trị có thu phí phải nghiên cứu để vận dụng một cách phù hợp, chặt chẽ, tiết kiệm ngân sách, không gây phiền hà cho người dân.
  • Về chuyến bay thương mại quốc tế: Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo công bố các vùng an toàn để mở lại các đường bay tới các địa bàn mà trong 30 ngày qua không phát hiện trường hợp mắc COVID-19;
  • Cho phép mở cửa trở lại các dịch vụ vũ trường và karaoke. Nhưng Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an và các cơ quan chức năng kiểm soát những hành vi vi phạm pháp luật tại các cơ sở này, đặc biệt là buôn bán, sử dụng ma túy.

Các đường bay quốc tế dự kiến mở lại từ 01.07.2020

Trong ngày 11/06/2020, Vietnam Airlines và Bamboo Airways phát đi thông báo cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng các chuyến bay thương mại đến những nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Dự kiến các đường bay quốc tế này sẽ mở lại từ 01/07/2020. Theo CEO của Vietnam Airlines – Ông Dương Trí Thành cho biết: “Vietnam Airlines đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, để khi lệnh cấm được dỡ bỏ là bay ngay. Bởi hiện tại, hãng thấy triển vọng đã tốt, trước mắt dự kiến bay đến các nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh như Nhật Bản, Hàn Quốc,…”. Quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào Chính phủ cũng như CDC Việt Nam.

Một số đường bay dự kiến mở lại của Vietnam Airlines

Cụ thể, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong và một số nước Đông Nam Á là các điểm đến được dự kiến nối lại (theo lịch khai thác tháng 7 từ Vietnam Airlines gửi đến các đại lý). Một số đường bay được dự kiến của Vietnam Arlines như sau:

Hàn Quốc:

  • Chặng khứ hồi Hà Nội/ TP.HCM « Incheon: Hàng ngày (Boeing 787);
  • Hà Nội « Busan: 4 chuyến/ tuần
  • TP.HCM « Busan: 3 chuyến/ tuần

Hong Kong, Đài Loan: Tần suất 3-4 chuyến/ tuần

Đông Nam Á: trước mắt có thể bay đến Lào, Campuchia…

Hành trình dự kiến của Bamboo Airways

Cuối ngày 11/06/2020, Bamboo Airways cũng cho biết sẽ bay lại các chặng quốc tế từ 01/07/2020 với hành trình dự kiến như sau:

Từ 01/07/2020:  Hà Nội « Đài Bắc (Cao Hùng)/ Incheon: 7 chuyến/tuần

Từ 01/09/2020: Mở thêm Đà Nẵng (Cam Ranh) « Incheon: 14 chuyến/ tuần

Từ 25/10/2020: Mở thêm 10 đường bay quốc tế, trong đó có các hành trình đi Melbourne và Praha.

Quốc hộ xem xét giảm thuế TNDN 30% năm 2020

Trong phiên họp sáng ngày 11/06/2020 của kỳ họp thứ 9 – Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác (Theo ANTV)

Theo đó, Chính phủ đề xuất GIẢM 30% SỐ THUẾ TNDN PHẢI NỘP NĂM 2020 đối với các doanh nghiệp phù hợp các điều kiện sau:

  • Tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng;
  • Có số lao động tham gia BHXH bình quân năm 2020 không quá 100 người.

Dựa trên Nghị quyết này, Doanh nghiệp căn cứ để tự xác định số thuế được giảm khi tạm nộp thuế TNDN theo quý và quyết toán thuế TNDN năm 2020.

Trình bày báo cáo Thẩm tra, Ông Nguyễn Đức Hải – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với tờ trình của Chính phủ và kỳ vọng quy định trên sẽ góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tăng cường nguồn lực để phát triển. Việc hạn chế đối tượng theo doanh thu cũng như số lượng lao động được nêu ra trong quy định cũng phù hợp và không gây áp lực quá lớn lên thu ngân sách nhà nước trong năm 2020.

Tuy nhiên, Ông Hải cũng phản ánh ý kiến cho rằng Dự thảo Nghị quyết hiện đang chỉ hỗ trợ cho các Doanh nghiệp có lãi; nhưng chưa tính đến những hỗ trợ cho các doanh nghiệp phải ngừng sản xuất kinh doanh hoặc hoạt động không có lãi. Do đó, đề xuất Chính phủ cần có thêm những giải pháp tổng thể hơn cho nền kinh tế thay vì chỉ hướng đến giảm thuế cho các doanh nghiệp đang có lợi nhuận.


http://www.antv.gov.vn/tin-tuc/kinh-te/quoc-hoi-xem-xet-giam-30-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-nam-2020-312946.html

http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Thu-tuong-dong-y-mo-lai-dich-vu-karaoke-vu-truong/397654.vgp

http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/quoc-hoi-chinh-thuc-phe-chuan-evfta-va-evipa-324005.html

Bài viết nổi bật

error: Content is protected !!