Khung giá đất mới đã được chính phủ ban hành, tăng gấp nhiều lần ở nhiều nơi trong giai đoạn 2020 – 2024. Tính đến nay đa số các địa phương đã ban hành, bao gồm một số địa phương “trì hoãn” chậm ban hành trong tháng 1 như TP HCM. Bên cạnh đó, giá tăng khiến nhiều chuyên gia lo lắng cơ hội sở hữu nhà ở của người dân càng xa vời, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.

Khung giá đất tăng ở nhiều địa phương

Bảng giá đất là tập hợp các mức giá đất cho mỗi loại đất do UBND cấp tỉnh ban hành trên cơ sở phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất. Căn cứ quy định của Luật Đất đai 2013, Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần và công bố công khai vào ngày 1/1 của năm đầu kỳ.

Theo đó, bảng giá đất của các địa phương hiện nay (giai đoạn 2014 – 2019) sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2019. Vì vậy, nhiều địa phương trên cả nước đã xây dựng và ban hành bảng giá đất mới cho giai đoạn 2020 – 2024.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2019/NĐ-CP quy định về khung giá đất ngày 19/12/2019

Theo đó, đối với khung giá đất của nhóm đất nông nghiệp bao gồm khung giá đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác – Phụ lục I; khung giá đất trồng cây lâu năm – Phụ lục II; khung giá đất rừng sản xuất – Phụ lục III; khung giá đất nuôi trồng thủy sản – Phụ lục IV; khung giá đất làm muối – Phụ lục V.

Với nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm khung giá đất ở tại nông thôn – Phụ lục VI; khung giá đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn – Phụ lục VII; khung giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn – Phụ lục VIII; khung giá đất ở tại đô thị – Phụ lục IX; khung giá đất thương mại, dịch vụ tại đô thị – Phụ lục X; khung giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại đô thị – Phụ lục XI.

Nghị định 96/2019 quy định khung giá đất giai đoạn 2020-2024 tại 7 vùng kinh tế, thay thế cho nghị định số 104/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quy định khung giá đất. So với giai đoạn 2015-2019, khung giá mới cao hơn khoảng 20%:

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau khi Chính phủ ban hành khung giá đất nhà nước, mức điều chỉnh giá đất ở từng khu vực so với khung giá trước đây và được công bố chi tiết để UBND các tỉnh, thành phố lấy làm căn cứ xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất tại địa phương.Theo đó, mức giá tối thiểu tại các vùng nằm trong khoảng 40.000-120.000 đồng/m2 và mức giá tối đa là 48-162 triệu/m2.

Khung giá đất chỉ được lấy làm căn cứ để xây dựng Bảng giá đất, còn mức tăng cụ thể bao nhiêu phần trăm so với khung quy định là do địa phương tự quyết định.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bảng giá đất tại từng địa phương sẽ là cơ sở để áp dụng trong giai đoạn 2020 – 2024, dùng để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận đất ở, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân trong hạn mức; tính thuế sử dụng đất, tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tính tiền xử phạt, tính tiền bồi thường cho nhà nước khi gây thiệt hại…

Tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM là 2 địa phương có mức giá tối đa cao nhất là 162 triệu/m2, chúng tôi sẽ liên tục cập nhật thông tin mới nhất tại đây.

Cập nhật liên tục các thông tin “nóng” về Bảng giá đất các địa phương từ Blog thông tin của BankExpress

Thông tin cụ thể tình hình phê duyệt Bảng giá đất tại địa phương như sau:

Bảng giá đất Thành phố Hà Nội – tăng bình quân 15%

  • Sáng 26/12 HĐND TP Hà Nội thông qua nghị quyết về giá đất trên địa bàn, trong đó cao nhất là ba phường quận Hoàn Kiếm gần 188 triệu đồng một m2. 
  • Theo nghị quyết, giá đất ở các quận tăng bình quân 15% so với bảng giá giai đoạn 2015-2019. Bảng giá đất thương mại, dịch vụ bằng 62-65% giá đất ở sau khi điều chỉnh. Giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại dịch vụ tăng bình quân 16% đối với các tuyến đường trục chính hai chiều, tăng bình quân 12% đối với các tuyến đường một chiều, các tuyến đường còn lại điều chỉnh tăng bình quân 15%.
  • Ba phường thuộc quận Hoàn Kiếm gồm Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ tiếp tục có bảng giá đất cao nhất thủ đô với mức gần 188 triệu đồng một m2 (mức cũ 162 triệu đồng); giá đất ở thấp nhất thuộc quận Hà Đông.
  • Như vậy, mức tăng trung bình giống với đề xuất được đưa ra từ đầu tháng 12 khi UBND thành phố thống nhất chỉ đề xuất giá đất tăng bình quân 15% so với giai đoạn 2014 – 2019 thay vì mức 30% như tính toán ban đầu.

Bảng giá đất TP Hồ Chí Minh – không điều chỉnh so với giai đoạn trước

  • Trong tháng 12/2019, Hiệp hội BĐS TP HCM kiến nghị không tăng khung giá đất 2020-2024 so với giai đoạn 2014 – 2019.
  • Ngày 15/1/2020, Hội đồng nhân dân TP HCM khoá 9 đã tổ chức kỳ họp bất thường để thông qua Nghị Quyết ban hành bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất mới.
  • Ngày 16/1/2020, TP HCM thông qua Nghị Quyết số 02/2020/QĐ-UBND, theo đó, Bảng giá đất mới giai đoạn 2020-2024 được đề xuất giữ nguyên mức giá hiện hành của các tuyến đường.
  • Giá đất ở đô thị cao nhất của TP vẫn là 162 triệu đồng/m2 tại các tuyến đường trung tâm TP như Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1).
  • Giá đất ở đô thị thấp nhất là 1,5 triệu đồng/m2; giá đất thương mại dịch vụ bằng 80% giá đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là thương mại dịch vụ bằng 60% giá đất ở; giá đất cao nhất của loại đất nông nghiệp trồng lúa và cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản là 205.000 đồng/m2; loại đất trồng cây lâu năm là 300.000 đồng/m2…
  • Ngoài ra, bổ sung 4 loại đất chưa được quy định trong bảng giá đất giai đoạn 2015 – 2019 gồm: đất khu chế xuất, khu công nghiệp và đất trong khu công nghệ cao; đất nghĩa trang, nghĩa địa; đất giáo dục, y tế; đất tôn giáo nhằm khắc phục những hạn chế của bảng giá đất giai đoạn này.
  • Sau khi ban hành Bảng giá đất này, chi cục thuế các quận sẽ sử dụng làm cơ sở để áp dụng giá tính thuế cho các hồ sơ liên quan đến chuyển nhượng, hợp thức hóa nhà đất bị “tắc” do không thể đóng tiền sử dụng đất, thuế trước bạ, thuế thu nhập cá nhân từ đầu năm đến nay.

Thành phố Đà Nẵng – Giảm giá đất mùa dịch COVID

Với việc HĐND thành phố Đà Nẵng hoãn kỳ họp bất thường để quyết nghị bảng giá đất mới qua tháng 3/2020 thay vì hôm 09/1, thị trường BĐS Đà Nẵng lại hứa hẹn kéo dài thêm khung cảnh ảm đạm. Nguyên nhân được ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND Đà Nẵng giải thích là cần có thêm thời gian để chuẩn bị tốt nội dung dự thảo bảng giá đất. Vả lại, bảng giá đất hiện áp dụng cũng mới được ban hành, nên chưa cần phải sửa gấp.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 96/2019, theo đó, mức khung giá đất ở của Đà Nẵng không quá 91,2 triệu đồng/m2. Trong khi đó, lâu nay Đà Nẵng áp dụng Quyết định 06 theo Nghị định cũ, có khung giá đất ở tối đa là 98,8 triệu đồng/m2.

Bảng giá đất phê duyệt hôm nay ngày 13/3 có thay đổi so với bản giá đất tại quyết định 06 năm 2019. Bảng giá đất mới cũng bổ sung giá đất đối với 290 tuyến đường mới đặt tên, điều chỉnh giảm 5% đối với đất thương mại dịch vụ và đất sản xuất kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Nho Trung – chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, bảng giá đất lần này đánh giá rất kỹ so với quyết định 06, trong đó có các tác động đối với doanh nghiệp và người dân khi tiếp cận đất đai, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội và thị trường bất động sản của thành phố hiện tại. 

Bảng giá đất mới bổ sung, điều chỉnh những bất cập như: Sửa đổi giá đất đối với năm tuyến đường chưa phù hợp (giá thực tế thấp hơn mức giá quy định); bổ sung về hệ số vị trí khu đất thương mại dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh và phần diện tích áp dụng hệ số đặc biệt ngã ba, ngã tư đối với các khu đất hai mặt tiền trở lên…

Ngoài ra giá đất thương mại dịch vụ được xác định bằng 80% giá đất ở cùng vị trí. Giá đất sản xuất kinh doanh không phải là đất thương mại, dịch vụ được xác định bằng 60% giá đất ở cùng vị trí. Theo đó, giá đất ở tại đô thị cao nhất 98,8 triệu đồng/m2. Giá đất thương mại dịch vụ tại đô thị cao nhất 79 triệu đồng/m2. Giá đất sản xuất kinh doanh tại đô thị cao nhất 59,3 triệu đồng/m2.

Khung giá đất Nghệ An

Tại tỉnh Nghệ An, Nghị quyết về bảng giá đất trên địa bàn giai đoạn 2020 – 2024 đã được thông qua trong kỳ họp thứ 12 (ngày 12/12/2019) của HĐND tỉnh. Theo đó, từ 1/1/2020, giá các loại đất ở Nghệ An sẽ tăng lên nhiều so với bảng giá đất giai đoạn 2014 – 2019. Đơn cử, giá đất ở tại thành phố Vinh cao nhất là 65 triệu đồng/m2 (tăng 27,5%). Tại các huyện, mức giá cao nhất là 15 triệu đồng/m2 (tăng đến 87,5%).

Khung giá đất Bình Dương

Tại Bình Dương,UBND tỉnh vừa công bố bảng giá đất 5 năm tới, áp dụng từ ngày 1/1/2020.Cụ thể, đất đô thị, các tuyến đường loại I ở vị trí 1 của thành phố Thủ Dầu Một gồm: Yersin, Bạch Đằng, Cách Mạng Tháng Tám, Đại lộ Bình Dương, Điểu Ong, Đinh Bộ Lĩnh, Đoàn Trần Nghiệp, Hùng Vương, Nguyễn Du, Nguyễn Thái Học, Quang Trung, Trần Hưng Đạo có giá đất cao nhất là 37,8 triệu đồng/m2.

Như vậy, giá đất tăng bình quân 10%; thị xã Thuận An và Dĩ An tăng bình quân 5-30%; thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên, huyện Bàu Bàng và huyện Bắc Tân Uyên tăng bình quân 5-20%; huyện Phú Giáo và Dầu Tiếng tăng bình quân 10%.

Phập phồng lo giá nhà tăng

Việc điều chỉnh tăng khung giá đất giúp người bị thu hồi đất bớt thiệt thòi và làm cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng nhanh hơn, tạo nguồn thu ngân sách từ đất hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, khung giá đất nhà nước tăng cao cũng khiến nhiều người lo ngại chi phí đầu vào sản phẩm bất động sản cao hơn, kéo theo giá nhà tăng và giấc mơ mua nhà của họ ngày càng xa vời.

Nhìn nhận về vấn đề này, chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM – ông Lê Hoàng Châu cho rằng, tiền sử dụng đất chiếm khoảng trên dưới 10% giá thành căn hộ nhà chung cư, trên dưới 30% giá thành nhà phố, trên dưới 50% giá thành biệt thự. Giá thành là căn cứ để chủ đầu tư quyết định giá bán sản phẩm nhà ở ra thị trường. Do vậy, khung giá đất, bảng giá đất tăng, tất yếu sẽ tác động trực tiếp làm cho giá nhà đất tăng, dẫn đến khả năng người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.

“Hiện nay căn hộ nhà ở thương mại 2 phòng ngủ có giá vừa túi tiền khoảng trên dưới 2 tỷ đồng. Với cặp vợ chồng (có 1 con) có tiền lương khoảng 20 triệu đồng/tháng, tằn tiện lắm chỉ có thể tiết kiệm được khoảng 5 – 6 triệu đồng/tháng (tức 60 – 70 triệu đồng/năm), thì giấc mơ tạo lập nhà ở càng xa vời, nếu không được hỗ trợ ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội”, ông Châu dẫn giải.

Trái ngược với tâm lý lo ngại trên, một số chuyên gia lại dự báo khi giá đất tăng, giá thành của các sản phẩm bất động sản không bị ảnh hưởng quá nhiều.

Bà Trần Thị Khánh Linh – Trưởng bộ phận Định giá, Savills TP.HCM phân tích: “Nếu theo luật Đất đai 2013, các dự án bất động sản có giá trị trên 30 tỷ đều không căn cứ vào bảng giá đất mà phải sử dụng cơ sở định giá thị trường để xác định nghĩa vụ tài chính. Do đó việc điều chỉnh khung giá đất nhà nước không ảnh hưởng nhiều đến chi phí đầu vào của các dự án bất động sản, từ đó giá thành các sản phẩm bất động sản cũng không bị ảnh hưởng nhiều”.

Cũng theo bà Linh, bảng khung giá đất nhà nước cho giai đoạn 5 năm là khá dài vì tình hình giá bất động sản thay đổi nhanh chóng. Do đó, có thể có những giai đoạn điều chỉnh nhỏ như 6 tháng hoặc 1 năm để cập nhật biến động của thị trường. Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố cần được phân quyền chủ động hơn khi ban hành bảng giá đất để bảo đảm được nguyên tắc giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường và phù hợp với thực tế tình hình của từng địa phương.

BankExpress tổng hợp và phân tích (https://www.annhome.vn/tin-bat-dong-san/)

Bài viết nổi bật

error: Content is protected !!