Fintech, thuật ngữ về một mảng kinh doanh mới, được kết hợp bởi hai mảng tài chính (finance) và công nghệ (technology). Theo đó, các dịch vụ tài chính và công nghệ sẽ được đưa vào một DN.

Có mấy loại mô hình vận hành Fintech?

  • Fintech hoạt động như một công ty khởi nghiệp, mới gia nhập thị trường. Những DN kiểu này thường chú trọng tới việc phát triển công cụ mới và xây dựng mô hình tương tự như ngân hàng, hướng về thị trường ngách hoặc một loại sản phẩm cụ thể nào đó. Khó khăn thường gặp nhất đối với nhóm này sẽ là chi phí cho việc tìm kiếm khách hàng.

Ví dụ về mô hình này gồm có SoFi, TransferWise, LendingClub… Mô hình này tại Việt Nam hiện đang nở rộ tuy nhiên chủ yếu tập trung ở một số hoạt động như thanh toán và peer-to-peer. Các mảng hoạt động chủ yếu khác như cho vay mua nhà, cho vay doanh nghiệp… hiện gần như chưa có doanh nghiệp nào tập trung phát triển. Có thể đây là mảng đặc thù, đòi hỏi kiến thức chuyên sâu ngân hàng chăng??!

  • Fintech như một tổ chức tài chính độc lập. Đây là mô hình khi DN tài chính chọn đầu tư chủ yếu vào công nghệ để cải thiện hiệu quả hoạt động, tăng khả năng cạnh tranh và nắm bắt được những cơ hội đầu tư và hợp tác tiềm năng trong tương lai. Rào cản lớn nhất của mô hình này là về khả năng áp dụng công nghệ vào các hoạt động của DN một cách đồng bộ và nhịp nhàng.

Ví dụ về mô hình này gồm có Wells Fargo, Ping An… Việt Nam hình như Techcombank hay VPBank có vẻ đang chuyển mình theo hướng này.

  • Fintech hoạt động như một hệ sinh thái doanh nghiệp, được điều hành bởi những công ty công nghệ lớn. Các doanh nghiệp lớn này là nơi cung cấp những công cụ tài chính để cải thiện hệ thống đang có và kiếm thêm nguồn thu từ người dùng hiện tại. Bởi nhờ vào mạng lưới KH đa dạng và sự gắn bó với họ qua các hệ thống sẵn có, các công ty này sẽ có lợi thế trong việc giảm thiểu chi phí tìm kiếm khách hàng so với các công ty bình thường khác. Tuy vậy, quy mô lớn trong số lượng KH sử dụng cũng sẽ làm tăng rủi ro về pháp lí tại các thị trường đông dân như Ấn Độ hay Trung Quốc.

Ví dụ về mô hình này gồm có Apple, Ant Financial, Tencent… Viettel, VNG và cả ông lớn VinGroup chắc cũng đang nhăm nhe mảng này. Mình cùng chờ xem…

  • Fintech như một nhà cung cấp cơ sở dữ liệu. Đối với mô hình này, DN sẽ bán công cụ tự phát triển cho các tổ chức tài chính để giúp họ số hóa dữ liệu, cải thiện rủi ro trong quản lí và tăng trải nghiệm của KH. Điểm trừ của mô hình này là độ thành công hoặc thất bại của DN sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sản phẩm và kĩ thuật của của thiết bị, hơn là chi phí tìm kiếm KH.

Ví dụ về mô hình này gồm có FNZ, Marqeta, Onfido… Cái này mình gần như không nắm được, không biết Việt Nam có bác nào làm chưa nhỉ?!

10 xu hướng thay đổi mảng fintech trên toàn cầu

  1. Sự khác biệt tại các vùng địa lí khác nhau tỷ lệ thuận với sự thất bại của các công ty fintech. Người chiến thắng với fintech chủ yếu ở phạm vi vùng miền, hơn là ở cấp độ thế giới, tương tự như ngành ngân hàng bán lẻ. Điều này đến từ sự phức tạp và khác biệt của từng vùng địa lí, và doanh nghiệp nên khoanh vùng môi trường hoạt động tốt nhất, hơn là cố gắng ra biển lớn khi vẫn chưa đủ tiềm lực. Khi bắt đầu gia nhập thị trường mới, DN cần thích nghi tốt với thị trường mới và những khác biệt về quy định luật pháp, cũng như chọn lọc thị trường phù hợp nhất để thực hiện.

Đặc biệt, các sản phẩm ngân hàng càng khó khi các chuẩn mực theo quy định của mỗi quốc gia là rất khác nhau. Tuy nhiên, điều này vô hình trở thành rào cản cho cuộc xâm lăng của các công ty công nghệ lớn vào các thị trường địa phương đối với những mảng hoạt động có tính đặc thù cao như cho vay, mortgage…

  1. AI là một sự tiến bộ đầy ý nghĩa, nhưng không phải là bước nhảy vọt dành cho fintech. Mặc dù AI đang cho thấy tầm ảnh hưởng và thay đổi vượt bậc trong những năm gần đây, đó vẫn chưa phải là công cụ tạo nên thay đổi đáng kể đối với fintech. Trong một số trường hợp khi phân tích dữ liệu và dự báo về tương lai, những số liệu quá khứ và các mô hình tài chính vẫn được sử dụng rộng rãi, chính xác và đơn giản hơn so với việc sử dụng AI rất nhiều.
  2. Những sản phẩm mới toanh chưa chắc sẽ tạo nên khác biệt. Những start-up chiến thắng thường thành công khi không sử dụng công nghệ hoàn toàn mới mà sẽ phát triển từ những sản phẩm đang hiện hữu. Nguyên nhân vì các sản phẩm mới ra lò thường không đủ độ phức tạp, còn nhiều lỗi do chưa được test kĩ càng, cộng với đó là thời gian hoàn thiện khá dài và mất công sức, làm giảm khả năng thành công của DN. Do vậy, cải thiện những sản phẩm chưa được hoàn thiện trước đó, được xem là xu hướng để phát triển nhanh nhất đối với các DN fintech trong tương lai.
  3. Dòng vốn vào fintech đang dần kén chọn hơn. Sau những năm bùng nổ về fintech, các nhà đầu tư đang dần trở nên khó tính hơn đối với các công ty khởi nghiệp về mảng này. Tuy dòng vốn đầu tư vào fintech không hề thấp, nhưng sự tập trung thường không vào các DN đang ở giai đoạn đầu phát triển, mà nằm ở các DN đã có con đường vững chắc và đã có sản phẩm mang lại doanh thu.
  4. Trải nghiệm tốt hơn là không đủ, sự khác biệt mới thực sự cần thiết. Những năm trước, fintech có thể làm mưa làm gió nhờ tạo được trải nghiệm tốt hơn, do các đơn vị truyền thống vẫn chưa khai thác tốt được sự tiện lợi của Internet và công cụ thông minh. Câu chuyện đã khác hơn rất nhiều ở thời điểm hiện tại, khi các ngân hàng đều đã trang bị các app thông minh cả trên điện thoại và laptop, tiện lợi và dễ sử dụng nhưng cũng khó cạnh tranh do không có quá nhiều khác biệt. Do vậy, khách hàng sẽ có lí do để đòi hỏi những sản phẩm fintech mang tính ứng dụng tốt hơn, có ích và ở cấp độ cao hơn so với một app tài chính thông thường.
  5. Các DN tài chính có thể lội ngược dòng nhờ fintech. Thông thường, các DN thường chậm trong việc phản ứng với những thay đổi công nghệ, dẫn đến việc thua thiệt trong các cuộc đua tranh kinh doanh. Thế nhưng, việc áp dụng công nghệ là rất cần thiết trong thời đại này, và các ông lớn tài chính (như Goldman Sachs, Wells Fargo, Morgan Stanley…) đang dần nhìn vào fintech như một xu hướng không thể chối bỏ, để không đứng ngoài thị trường.

Thực tế tại Việt Nam nếu xét về yếu tố áp dụng công nghệ, ngân hàng và công ty tài chính chắc chắn là mảng tiệm cận nhanh và sát nhất với xu thế thế giới. Các ông lớn trong ngành ngân hàng rất nhanh nhạy trong việc chuyển hướng sang mô hình ngân hàng số trong thời gian gần đây, như trong bài phân tích trước đã nêu ra.

  1. Nếu đã đạt đến điểm bão hòa, hãy hợp tác cùng phát triển. Khi đã đến điểm bão hòa, tức là khi các DN fintech khó có thể phát triển sản phẩm của mình lên một cấp độ phức tạp hơn, thì nên có sự kết hợp giữa các bên. Đây không phải là một bước lùi, mà là sự kết hợp của nhiều sức mạnh. Họ sẽ đem đến những điểm mạnh của nhau, cùng nâng cao tốc độ xử lí, khả năng chịu đựng rủi ro và cả sự linh hoạt khi phải đối phó với những thay đổi khắc nghiệt trên thị trường. Xu hướng hợp tác và hợp nhất giữa các DN fintech vì thế cũng sẽ càng tiếp tục trong thời gian tới.
  2. Đối với fintech cung cấp giải pháp phần mềm: tiềm năng vẫn cao, nhưng vòng quay doanh thu sẽ chậm. Cũng như việc cung cấp công cụ cho thợ đào vàng ở các quặng, các nhà cung cấp phần mềm không tìm cách đánh bại các ngân hàng và tổ chức tài chính, cái họ muốn là xây dựng một nghiệp vụ kinh doanh có lợi nhuận dựa vào việc cung cấp giải pháp công nghệ cho các đối tác tài chính của mình. Tuy vậy, các fintech trong mảng này có thể phải đối mặt với cuộc cạnh tranh đến từ các DN lớn hơn, với nhiều rủi ro và vòng quay doanh thu bị kéo dài khi sản phẩm không cạnh tranh được với các ông lớn trong ngành. Nhìn chung, xu hướng này có vẻ sẽ vẫn tiếp tục với các fintech chọn hướng đi này, khi hướng tới đối tượng KH là các ngân hàng có quy mô nhỏ trước, nhằm tạo điều kiện và thời gian để cải thiện mô hình và xây dựng danh tiếng, hướng tới những giải pháp hoàn thiện hơn cho các khách hàng lớn hơn sau này.
  3. Có khả năng cho sự trở lại trên sàn niêm yết. Khi các DN fintech phát triển, họ sẽ phải quyết định lên sàn niêm yết vào một thời điểm nào đó. Trong khi các nhà đầu tư và nhân viên đều ủng hộ phương án này, các nhà sáng lập DN fintech thường không cho đây là phương án hay, do lo sợ vấn đề quản lí sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi quyết định niêm yết công khai. Mặt khác, phản ứng của thị trường nhiều lúc hơi khó hiểu đối với các fintech lên sàn. Đơn cử như một số DN fintech về tín dụng của Trung Quốc khi lên sàn NYSE và Nasdaq vào năm 2017, đều phải chứng kiến sự sụt giảm giá CP so với lúc mới IPO. Tuy nhiên khẩu vị của NĐT chứng khoán có vẻ đã thay đổi khi Adyen, một DN fintech về thanh toán trực tuyến của Hà Lan, và Funding Circle, một DN về P2P lender (cho vay ngang hàng) tại UK lại thắng lớn trên sàn chứng khoán vào năm 2018. Vì vậy đối với xu hướng này, các nhà điều hành nên có sự cân bằng giữa các mặt lợi và hại khi đứng trước quyết định IPO trên sàn chứng khoán.
  4. Các hệ sinh thái fintech Trung Quốc đang dần mở rộng và phát triển nhanh chóng hơn cả những đối thủ phương Tây. Điều này đến từ sự khác biệt khi xây dựng hệ thống fintech của hai phía. Trong khi fintech Trung Quốc xây dựng cả hệ sinh thái, kết hợp giữa thanh toán, vay mượn NH và cả quản lí tài sản… các DN fintech ở phương Tây chú trọng đến việc hoàn thiện sản phẩm cốt lõi của mình trước. Mô hình này của các fintech Trung Quốc giúp họ phát triển và mở rộng nhanh chóng, làm đa dạng thêm hệ thống dữ liệu KH có nhu cầu và có thể chịu đựng rủi ro tốt hơn. Có ba xu hướng lớn sẽ định hình ngành fintech của Trung Quốc trong năm tới:
  • Thứ nhất là khả năng mở rộng thị trường với KH chính là các tổ chức tài chính vừa và nhỏ,
  • Thứ hai là sự hợp tác ngày càng sâu và rộng giữa các tổ chức tài chính/ bảo hiểm với các công ty cung cấp giải pháp phần mềm,
  • Thứ ba là thị trường sẽ bớt đi các fintech nhỏ và không có khả năng cạnh tranh do sự siết chặt trong luật pháp Trung Quốc.

Vậy, mảng fintech trong những năm tới sẽ như thế nào?

Đây là mảng có sự thay đổi vượt trội trong những năm gần đây, và sẽ còn bùng nổ trong những năm tới, với các xu hướng đã được nêu ra trong bài viết. Trong cuộc chiến khốc liệt này, các tổ chức tài chính lớn có thể lớn mạnh cùng với các đối tác cung cấp giải pháp công nghệ, không cần tốn tài lực xây dựng một thứ không thuộc chức năng chính của mình. Đối với các start-up về fintech, con đường của họ sẽ không hề dễ dàng và sẽ cần nhiều thời gian để khẳng định sự khác biệt. Và khi thị trường fintech phát triển đến một mức độ nào đó, sẽ chính là thời điểm các công ty thuộc các phân khúc trên sẽ cạnh tranh trực diện, hoặc tham gia vào các phân nhóm của nhau, để tìm ra chỗ đứng của chính mình trên hành trình đầy cam go này.

Link gốc tại đây: https://www.mckinsey.com/industries/financial-services/our-insights/synergy-and-disruption-ten-trends-shaping-fintech

Tìm hiểu thêm về “Nợ xấu có vay ngân hàng được hay không?”

Bài viết nổi bật

error: Content is protected !!