Bạn đang phân vân giữa việc đầu tư Mua vàng đợi tăng giá rồi bán hay Gửi tiết kiệm ngân hàng để có lợi nhuận ổn định? Nếu bạn đang tìm kiếm lời giải cho câu hỏi này, bài viết dưới đây sẽ giải đáp mọi mối quan tâm của bạn và giúp bạn có câu trả lời phù hợp nhất
Đầu tư vàng
Đầu tư vàng là mua vàng nhằm kiếm lời từ sự chênh lệch giá trong tương lai. Bạn có thể đầu tư vàng qua nhiều hình thức, như mua vàng miếng, trang sức, hoặc tham gia vào chứng chỉ và hợp đồng vàng hay đầu tư vàng trực tuyến.
Tìm hiểu thêm: Đầu tư vàng là gì? Giải mã lý do nhiều người đầu tư vàng.
Ưu điểm
Tính thanh khoản cao
Vàng có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt ở hầu hết các nơi trên thế giới. Điều này giúp nhà đầu tư linh hoạt trong việc mua bán và chuyển đổi tài sản, đặc biệt trong các giai đoạn cần thanh khoản nhanh.
Phòng ngừa lạm phát
Vàng là một tài sản an toàn, thường giữ được giá trị và thậm chí tăng giá trong các giai đoạn lạm phát hoặc bất ổn kinh tế. Khi các tài sản khác có thể bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường, vàng lại trở thành “nơi trú ẩn” an toàn cho nhà đầu tư.
Ví dụ, vào năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và kinh tế toàn cầu suy thoái, giá vàng tăng mạnh. Tương tự, vào năm 2023, khủng hoảng địa chính trị giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá vàng từ khoảng 48 triệu đồng/lượng lên hơn 57 triệu đồng/lượng. Điều này cho thấy nhà đầu tư thường chọn mua vàng để bảo vệ tài sản trong những thời điểm bất ổn.
Đơn giản trong giao dịch
Giao dịch vàng rất đơn giản, không đòi hỏi nhiều thủ tục phức tạp, giúp nhà đầu tư tiết kiệm thời gian. Ví dụ, nếu bạn đang cần tiền gấp trong vòng 30 phút và có một chiếc nhẫn vàng, bạn có thể dễ dàng mang nó đến tiệm vàng. Chỉ cần vài phút để định giá và nhận tiền ngay mà không phải qua nhiều thủ tục rườm rà như khi bán các loại tài sản khác, chẳng hạn như bất động sản. Điều này làm cho việc mua bán vàng nhanh chóng và thuận tiện hơn rất nhiều.
Tiềm năng sinh lời
Nhiều người có thói quen mua vàng để tích trữ, làm của hồi môn cho con cái, hoặc đợi giá vàng tăng để bán ra kiếm lời, nhất là khi nguồn cung vàng khan hiếm.
Vào những ngày giá vàng tăng mạnh, tiệm vàng thường đông đúc người mua xếp hàng. Chiều 25/9, tại Bảo Tín Minh Châu (Hà Nội), dù giá vàng SJC chạm mức 81,5 – 83,5 triệu đồng/lượng, nhiều người vẫn kiên nhẫn chờ đợi để mua, dù mỗi khách chỉ được mua 1 chỉ/lượt. Điều này khiến việc mua vàng trở nên khó khăn. Chị Mai Thanh Thủy chia sẻ rằng dù chỉ tích trữ, nhưng phải canh giờ xếp hàng như thời bao cấp mới mua được. Điều này minh chứng cho tiềm năng sinh lời từ việc đầu tư vàng khi thị trường biến động.
Nhược điểm
Chi phí bảo quản cao
Đối với vàng vật chất, chi phí bảo quản thường đáng kể, đặc biệt khi nhà đầu tư sở hữu lượng lớn. Việc cất giữ vàng tại nhà dễ gặp rủi ro mất mát, trộm cắp. Ngay cả khi sử dụng dịch vụ giữ hộ vàng của ngân hàng, rủi ro mất cắp vẫn có thể xảy ra. Chẳng hạn vào ngày 18/10/2024, TPBank đã ghi nhận vụ việc cựu cán bộ ngân hàng tham ô 246 lượng vàng SJC từ kho, cảnh báo về rủi ro tiềm ẩn ngay cả trong các dịch vụ bảo quản chuyên nghiệp tại ngân hàng.
Rủi ro hao mòn
Vàng vật chất có thể bị hao mòn, hư hỏng do tác động của các yếu tố môi trường như oxy hóa, nhiệt độ, hoặc thậm chí tác động vật lý, làm giảm giá trị của tài sản theo thời gian.
Khó khăn trong giao dịch lượng lớn
Thị trường vàng không phải lúc nào cũng sẵn sàng hấp thụ lượng lớn vàng ngay lập tức. Điều này có thể gây trở ngại cho nhà đầu tư nếu cần bán hoặc lưu thông lượng vàng lớn trong thời gian ngắn.
Biến động giá
Mặc dù vàng thường tăng giá trong thời kỳ khủng hoảng, nhưng giá vàng vẫn có thể biến động mạnh trong ngắn hạn do các yếu tố địa chính trị hoặc thị trường tài chính, mang lại rủi ro cho những nhà đầu tư ngắn hạn.
Xem thêm: Ưu và nhược điểm đầu tư vàng. Phân tích các hình thức đầu tư phổ biến hiện nay
Gửi tiết kiệm ngân hàng
Gửi tiết kiệm là hình thức gửi một khoản tiền vào một ngân hàng trong một thời gian cụ thể. Sau thời gian này, người gửi sẽ nhận được lãi suất tương ứng với kỳ hạn gửi đã chọn.
Ưu điểm
An toàn và ổn định
Gửi tiết kiệm là một trong những hình thức đầu tư an toàn nhất. Tiền của nhà đầu tư được bảo vệ bởi Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại. Ví dụ, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, như trong đại dịch COVID-19, những người gửi tiết kiệm vẫn có thể yên tâm về vốn của mình, trong khi giá trị của các tài sản khác như chứng khoán và bất động sản có thể sụt giảm mạnh.
Lãi suất cố định
Khi gửi tiết kiệm, nhà đầu tư biết rõ mức lãi suất sẽ nhận được trong suốt thời gian gửi. Điều này giúp họ có thể lập kế hoạch tài chính một cách dễ dàng. Ví dụ, nếu bạn gửi 100 triệu đồng với lãi suất 6%/năm trong 1 năm, bạn sẽ nhận được 106 triệu đồng khi đáo hạn.
Xem thêm: Cách tính lãi suất tiết kiệm đúng cách
Thời gian và tiện lợi
Quy trình gửi tiết kiệm ngày càng trở nên đơn giản hơn với các dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Bạn có thể gửi tiền chỉ với vài cú nhấp chuột mà không cần phải đến trực tiếp ngân hàng. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và công sức, đặc biệt là trong bối cảnh bận rộn của cuộc sống hiện đại.
Đa dạng kỳ hạn và phương thức trả lãi
Các ngân hàng cung cấp nhiều kỳ hạn gửi khác nhau, từ 1 tuần đến 5 năm, giúp khách hàng linh hoạt trong việc chọn lựa theo nhu cầu tài chính của mình. Ngoài ra, một số ngân hàng còn cho phép trả lãi hàng tháng, hàng quý hoặc hàng năm. Khách hàng có thể chọn kỳ hạn gửi phù hợp, như 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 24 tháng, hay 36 tháng,… tùy thuộc vào kế hoạch sử dụng vốn.
Nhược điểm
Lãi suất thấp
Một trong những nhược điểm lớn nhất của gửi tiết kiệm là lãi suất thường thấp hơn so với các hình thức đầu tư khác như chứng khoán hoặc bất động sản. Trong giai đoạn lạm phát, lãi suất thực (sau khi trừ lạm phát) có thể trở nên âm, nghĩa là giá trị tiền của bạn thực sự giảm theo thời gian. Ví dụ, nếu bạn gửi 200 triệu đồng với lãi suất 5%/năm, trong khi lạm phát là 6%, thực tế bạn đang mất giá trị.
Thiếu linh hoạt
Nếu bạn cần rút tiền trước kỳ hạn, bạn sẽ không nhận được mức lãi suất đã thỏa thuận, mà chỉ nhận lãi suất không kỳ hạn rất thấp (0,1% – 0,2%). Điều này có thể gây thiệt hại cho nhà đầu tư khi cần vốn gấp. Ví dụ, nếu bạn rút tiền sau 6 tháng gửi tiết kiệm 1 năm, bạn sẽ chỉ nhận được lãi suất thấp thay vì lãi suất đã cam kết.
Khó điều chỉnh chiến lược
Lãi suất gửi tiết kiệm thường không thay đổi nhanh chóng theo biến động của thị trường, khiến cho nhà đầu tư khó khăn trong việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư của mình. Trong một thời gian dài, nếu lãi suất tăng lên trên mức bạn đang nhận, bạn sẽ không thể chuyển đổi sang lãi suất cao hơn mà không phải đóng tài khoản và mở tài khoản mới.
Không tạo ra giá trị gia tăng
Gửi tiết kiệm không tạo ra giá trị gia tăng cho tài sản của bạn, như các hình thức đầu tư khác có thể. Với vàng, bất động sản hoặc chứng khoán, bạn có thể thấy sự gia tăng giá trị theo thời gian. Gửi tiết kiệm chỉ đơn thuần là giữ giá trị tiền.
Bảng so sánh chi tiết ưu và nhược điểm hai hình thức đầu tư:
Tiêu chí | Đầu tư vàng vật chất | Gửi tiết kiệm |
---|---|---|
Tính thanh khoản | Cao, dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt | Cao, có thể rút tiền theo kỳ hạn quy định |
Tiềm năng sinh lời | Cao, đặc biệt trong thời kỳ lạm pháthoặc bất ổn kinh tế | Thấp, lãi suất cố định và ổn định theo thời gian |
Rủi ro | Cao, dễ bị trộm cắp, mất mát, hao mòn | Thấp, được ngân hàng bảo đảm và bảo mật |
Quy trình giao dịch | Đơn giản, không cần nhiều thủ tục | Đơn giản, có thể thực hiện trực tuyến hoặc tại ngân hàng |
Bảo quản | Cần chi phí cao để bảo quản an toàn | Không cần lo lắng về bảo quản |
Tính ổn định | Biến động mạnh theo thị trường | Ổn định, ít bị ảnh hưởng bởi thị trường |
Tác động của lạm phát | Vàng thường tăng giá khi lạm phát xảy ra | Tiền gửi có thể bị mất giá trị khi lạm phát cao |
Lợi nhuận ngắn hạn | Có thể cao nhưng phụ thuộcvào biến động giá vàng | Lợi nhuận ổn định nhưngthấp hơn so với các kênh khác |
Lợi ích khác | Không bị ảnh hưởng bởi tiền tệvà giao dịch dễ dàng | Có nhiều kỳ hạn gửi linh hoạt, an toàn hơncho người không ưa rủi ro |
Nhược điểm | Rủi ro về bảo quản,khó khăn khi lưu thông số lượng lớn | Lãi suất thấp, rút trước kỳ hạn bị giảm lãi suất |
Có 200 triệu đồng: Mua vàng hay gửi tiết kiệm ngân hàng?
Vào sáng ngày 18/10/2024, giá vàng miếng SJC 84-86 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn trơn 24K của các thương hiệu lớn như SJC, PNJ, Doji, BTMC và Phú Quý đã tăng lên nửa triệu, lập mức kỷ lục trên 85 triệu đồng/lượng, so với trước đó. Giả sử, nếu bạn đã mua vàng vào dịp Lễ Quốc khánh 2/9, khi giá vàng nhẫn khoảng 78,6 triệu đồng/lượng, thì hiện tại, bạn đã lãi 6,4 triệu đồng từ khoản đầu tư này.
Giá cụ thể của các thương hiệu lớn như sau:
Thương hiệu | Giá mua vào (đ/lượng) | Giá bán ra (đ/lượng) |
SJC | 84.000.000 | 86.000.000 |
PNJ | 84.000.000 | 86.000.000 |
DOJI | 84.000.000 | 86.000.000 |
Bảo Tín Minh Châu | 84.000.000 | 86.000.000 |
Phú Quý | 84.000.000 | 86.000.000 |
Từ đầu năm, với 200 triệu đồng, nhà đầu tư có thể mua 2,55 lượng vàng. Hiện mỗi lượng vàng đã sinh lãi hơn 16 triệu đồng, với mức lãi suất khoảng 9,76%/năm.
So với gửi tiết kiệm ngân hàng:
- Tính đến ngày 1/1, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại trung bình ở mức 5%/năm, đã giảm 0,2 điểm % so với cuối tháng 12/2023.
- Đến đầu tháng 10, lãi suất gửi tiết kiệm phổ biến từ 4,7% đến 5,7%/năm, với nhiều ngân hàng niêm yết trên 6%/năm.
Theo chuyên gia Ngô Thành Huấn, đầu tư vàng có tiềm năng sinh lời cao nhưng đi kèm rủi ro biến động giá. Trong thời kỳ kinh tế ổn định, giá vàng có thể giảm, do đó nhà đầu tư nên cân nhắc thời điểm bán hoặc giữ lại một lượng nhỏ. Ông nhắc đến giai đoạn 2013-2016, khi giá vàng ổn định trong 3-4 năm.
Ngược lại, gửi tiết kiệm ngân hàng là lựa chọn an toàn hơn, mặc dù lãi suất thấp hơn (5-5,8%). Đây là phương án lý tưởng cho những ai không muốn mạo hiểm hoặc có kế hoạch tài chính ngắn hạn.
Xem thêm: So sánh lãi suất tiền gửi tiết kiệm (cập nhật mới 30 ngân hàng)
Bài viết nổi bật