Nhìn chung, năm 2019, mặt bằng lãi suất biến động theo chiều hướng tăng. Tuy nhiên, lãi suất năm 2020 được dự báo nhiều khả năng sẽ ổn định, không tăng thêm so với năm 2019.

Mặt bằng lãi suất của Việt Nam hiện tại vẫn cao so với lạm phát

Theo ông Nguyễn Đức Độ, phó viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính, Học viện tài chinh thì nhìn chung, năm 2019, mặt bằng lãi suất biến động theo chiều hướng tăng. Cụ thể, trong 3 quý đầu năm, lãi suất huy động, chủ yếu là lãi suất huy động dài hạn được các ngân hàng điều chỉnh theo chiều hướng tăng, tất nhiên mức tăng không phải là quá lớn, do các ngân hàng đứng trước áp lực cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đáp ứng các quy định về hệ số an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II và thực hiện quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về lộ trình giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn.

Tuy nhiên, trong quý cuối năm 2019, NHNN đã đồng loạt điều chỉnh giảm đồng bộ 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành; giảm 0,2 – 0,5%/năm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; giảm 0,75%/năm lãi suất nghiệp vụ thị trường mở. Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn và năng lực tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý; điều hòa thanh khoản ổn định thị trường, nhờ đó duy trì lãi suất thị trường liên ngân hàng phù hợp, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn chi phí hợp lý cho doanh nghiệp. Kết quả sau các động thái điều hành của NHNN, mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm. Trong đó, lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,2 – 0,5%/năm và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5%/năm. 

Dự báo tình hình lãi suất 2020

Năm 2020, mặt bằng lãi suất nhiều khả năng sẽ duy trì được sự ổn định. Bởi thứ nhất, hiệu ứng của việc NHNN hạn chế tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung, dài hạn, cũng như áp lực nâng cao năng lực tài chính (theo chuẩn Basel II) đã phản ánh trong năm 2019 rồi. 

Thứ hai, năm 2020, dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng chậm lại so với năm 2019, nên nhu cầu về vốn cho nền kinh tế có thể không quá lớn. Cùng với đó, một số lĩnh vực như bất động sản có thể vẫn tiếp tục xu hướng chững lại của năm 2019, nên nhu cầu về vốn cho một số lĩnh vực cần nhiều vốn như bất động sản cũng không quá mạnh trong năm 2020.

Thứ ba, nếu như nhìn tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2019 cũng đã có dấu hiệu chững lại, không còn tăng mạnh như những năm trước, nên sức ép lên lãi suất cũng sẽ không lớn. 

Thứ tư, về yếu tố tỷ giá, trong cả năm 2019, tỷ giá được giữ tương đối ổn định. Năm 2020, nhiều khả năng tỷ giá vẫn sẽ tiếp tục xu hướng ổn định, nên sức ép tỷ giá lên lãi suất không nhiều.

Thứ năm, về yếu tố lạm phát, năm 2019, lạm phát bình quân tăng 2,79%. Năm 2020, nhiều khả năng lạm phát sẽ cao hơn một chút, tôi dự báo, lạm phát năm nay nằm trong khoảng 3,5%. Với mức lạm phát này vẫn nằm dưới ngưỡng 4%, nên tác động của yếu tố lạm phát đến lãi suất cũng không phải là quá mạnh.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, mặt bằng lãi suất của Việt Nam như hiện tại vẫn cao so với lạm phát. Bởi, nếu với mức lạm phát dưới 4%, trong khi gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 1 năm trở lên có lãi suất khoảng 8%, thì mức lãi suất thực dương 4% không phải là nhỏ, cho thấy lãi suất vẫn đang neo ở mức khá cao. 

BankExpress tổng hợp

Bài viết nổi bật

error: Content is protected !!