Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị NHNN nghiên cứu gói cho vay ưu đãi dưới hình thức tái cấp vốn lãi suất 0% trong thời hạn 6 tháng đến 1 năm cho doanh nghiệp trong các ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh như du lịch, hàng không, giáo dục,…
Sẽ không có gói kích cầu, hỗ trợ lãi suất như năm 2009
Rút kinh nghiệm từ gói kích cầu năm 2009 không hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị không triển khai gói hỗ trợ lãi suất.
Trả lời về các đề xuất về gói hỗ trợ lãi suất trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiên, đại diện Bộ Tài chính cho biết từ kinh nghiệm triển khai gói kích cầu 2009 không hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề nghị không triển khai.
Đồng thời, NHNN đã có chương trình giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp với cam kết của các ngân hàng là hơn 24.000 tỷ đồng.
Nhìn lại gói kích thích kinh tế 2009 và những hệ luỵ
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu xuất hiện từ đầu năm 2008 và chính thức bùng nổ vào cuối quý III/2008 với sự sụp đổ của định chế tài chính cho vay lớn nhất nước Mỹ thời điểm đó, Leman Brother.
Cuộc khủng hoảng đánh mạnh nhất vào nước Mỹ. Dĩ nhiên, các nước khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam cũng không thể miễn nhiễm. Chính phủ các nước cũng như các tổ chức tài chính quốc tế đã đồng loạt đưa ra rất nhiều gói tài chính kích cầu khổng lồ và các biện pháp hỗ trợ.
Tại Việt Nam, để ngăn chặn suy giảm kinh tế, Chính phủ đã đưa ra 5 nhóm giải pháp cấp bách bao gồm cả tăng tín dụng, giảm lãi suất, tăng chi tiêu NSNN và giảm thuế và dành 2 tỷ USD để kích cầu.
“Gói kích cầu thứ nhất” trị giá 1 tỷ USD (khoảng 17.000 tỷ đồng lúc đó) để hỗ trợ 4% lãi suất vốn vay cho một số đối tượng doanh nghiệp.
Tiếp đó, “gói kích cầu thứ hai” cũng nhanh chóng được công bố với quy mô lớn hơn, cho các tổ chức, cá nhân vay vốn trung, dài hạn và sẽ được Nhà nước hỗ trợ lãi suất tiền vay 4%/năm trong khoảng thời gian tối đa 24 tháng, với tổng số lãi được hỗ trợ là 20.000 tỷ đồng.
Theo đó, hỗ trợ trực tiếp lãi suất cho vay theo cơ chế xin cho là đặc trưng cho phương thức kích cầu chủ yếu của Việt Nam tại thời điểm này.
Báo cáo của VEPR đánh giá với nguồn vốn dễ dãi các doanh nghiệp có xu hướng hạn chế đầu tư cho sản xuất. Thay vào đó, họ sử dụng phần vốn vay được hỗ trợ lãi suất để thực hiện các hành vi đầu cơ.
Việc đầu cơ đã dẫn tới những vấn đề như tạo sự tăng giá trên các thị trường tài sản (bất động sản, chứng khoán, vàng và ngoại hối), làm gia tăng sức ép lạm phát trong năm.
Bên cạnh đó, việc chưa quản lý được việc sử dụng vốn thực chất dẫn tới phát sinh những trường hợp lợi dụng việc ưu đãi này để trục lợi. Có doanh nghiệp vay vốn hỗ trợ lãi suất để chuyển sang tiền gửi hoặc cho vay lại, hưởng chênh lệch.
Đâu sẽ là giải pháp thích hợp?
Theo Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, việc hỗ trợ lãi suất không phải là biện pháp hiệu quả và không cần thiết trong lúc này. Thời điểm này, vấn đề quan trọng hơn việc giảm lãi suất là làm sao để các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, đó mới là vấn đề chính.
“Tất cả mọi người đều đang nói đến vấn đề giảm lãi suất, nhưng giảm lãi suất chỉ dành cho doanh nghiệp còn đang trả nợ được cho ngân hàng. Còn hàng trăm nghìn doanh nghiệp khốn khó ngoài kia không vay được của ngân hàng thì có giảm lãi suất hay hỗ trợ lãi suất bao nhiêu đối với họ không nghĩa lý gì,” ông Hiếu chia sẻ.
Ông Hiếu cho biết tổng dư nợ cả hệ thống ngân hàng là khoảng 9,8 triệu tỷ đồng và nếu mỗi ngân hàng tham gia với 3% tổng dư nợ thì nguồn vốn mà tổ hợp tín dụng có thể cung cấp cho nền kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, sẽ rơi vào khoảng 300.000 tỷ đồng.
Lãi suất cho vay là 3% – 5% với nguồn vốn cho vay được lấy từ một phần CASA của các ngân hàng. Đặc biệt hình thức cho vay sẽ là tín chấp.
Ông Hiếu đề nghị tổ hợp tín dụng nên làm việc với một quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia để ngân hàng “dám” cho vay tín chấp với lãi suất rất thấp. Thời gian cho vay có thể là 5 năm, trong đó 2 năm là cho vay tuần hoàn, 3 năm cho vay trả dần hết nợ chủ yếu cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bới dịch bệnh.
Đề xuất gói cho vay lãi suất thấp hơn thị trường 3 – 4%, tái cấp vốn 0%, doanh nghiệp nào sẽ được ưu đãi?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã có tờ trình dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, đề xuất các giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường tiếp cận tài chính.
Dự thảo Nghị quyết đưa ra 08 nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng Bộ Tài chính sẽ cùng xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ với mức lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất của thị trường khoảng 3 – 4%/năm trong thời hạn ít nhất là 1 năm.
Đối tượng hỗ trợ bao gồm các doanh nghiệp trong một số ngành bị tác động nặng nề bởi COVID-19; doanh nghiệp có trụ sở chính hoặc cơ sở sản xuất tại các địa bàn áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên 1 tháng.
Theo dự thảo, đối với các ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh nhưng lại tác động lớn đến các ngành khác như hàng không, du lịch, giáo dục, cần phải có các gói cứu trợ tương xứng (đây cũng là thông lệ mà nhiều quốc gia đã thực hiện).
Do đó, Chính phủ cần có gói tín dụng cho vay ưu đãi với lãi suất ưu đãi dưới hình thức tái cấp vốn lãi suất 0% cho doanh nghiệp trong các ngành du lịch, hàng không, giáo dục trong thời hạn 6 tháng đến 1 năm.
Ước tính riêng đối tượng doanh nghiệp ngành hàng không quy mô gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng.
Vì vậy, việc các Bộ ngành đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung, thống nhất cơ chế pháp lý sẽ giúp các TCTD cho vay an toàn. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Người mua nhà được giảm lãi suất từ 1% đến 1,5% với một số điều kiện
Đại diện một số ngân hàng cho biết đã cơ cấu nợ, giảm lãi suất 1% – 1,5% so với mức lãi suất hiện hành đối với các trường hợp khách hàng mất khả năng thanh toán do thu nhập sụt giảm vì dịch bệnh thoả mãn điều kiện Thông tư 14.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca nhiễm lây lan nhanh, nhiều tỉnh, thành phố kéo dài giãn cách xã hội khiến doanh nghiệp và người vay mua nhà rơi vào cảnh khó khăn.
Đối với nhiều người vay mua nhà, khoản trả nợ tiền mua nhà chiếm khoảng 30% – 50% tổng thu nhập hàng tháng tại các gia đình. Thu nhập giảm trong khi tiền lãi suất trung bình phải trả sau khi hết ưu đãi từ chủ đầu tư rơi vào khoảng từ 9%/năm đến 12%/năm khiến một số người không đủ khả năng trả nợ.
Theo VTV, đại diện một số ngân hàng cho biết đã giảm lãi suất 1% – 1,5% so với mức lãi suất hiện hành đối với các trường hợp khách hàng mất khả năng thanh toán do thu nhập sụt giảm vì dịch bệnh.
“Căn cứ vào các điều kiện của Thông tư 04, chúng tôi sẽ xem xét cơ cấu lại nợ và miễn giảm lãi suất cho khách hàng tuỳ theo từng khách hàng và mức độ ảnh hưởng của dịch”, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), ông Nguyễn Hưng cho biết.
Trên thực tế theo khảo sát của người viết, hiện nay nhiều ngân hàng tiếp tục chủ động đưa ra các gói vay lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam.
Cụ thể, Agribank cho biết ngân hàng sẽ cân đối 30.000 tỷ đồng chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ để hỗ trợ khách hàng tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội, bao gồm: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh,…
Theo đó, khách hàng được giảm lãi suất cho vay lên đến 2%/năm. Đối với các khoản vay ngắn hạn, Agribank giảm lãi suất tối thiểu 0,5%/năm đối với khách hàng vay vốn tham gia vào một trong các khâu của chuỗi sản xuất, cung ứng thuộc các lĩnh vực ưu tiên, nông sản, thủy, hải sản, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và các hoạt động phục vụ công tác phòng, chống dịch,…
Lãi suất cho vay ưu đãi sẽ được áp dụng trong 12 tháng kể từ ngày giải ngân. Thời gian thực hiện kéo dài đến hết ngày 31/12.
Tại SCB, ngoài việc hỗ trợ giảm phí, lãi cho khách hàng hiện hữu, ngân hàng còn cung cấp các khoản vay mới (bao gồm cả ngắn hạn và trung dài hạn) với mức lãi suất ưu đãi đến hết ngày 31/12; giảm 0,5% lãi suất cho vay trong 6 tháng đầu.
Gần đây, Saigonbank đã ra thông báo sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay và triển khai gói tín dụng với lãi suất ưu đãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Mức giảm lãi suất sẽ từ 0,5%/năm hoặc cao hơn tuỳ từng trường hợp cụ thể đối với các khách hàng có dư nợ tại Saigonbank mà nguồn thu nhập trả nợ đang chịu ảnh hưởng từ COVID-19.
Ngân hàng cũng ban hành gói tín dụng lãi suất cho vay ưu đãi với lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn 1,5%/năm so với khung lãi suất hiện hành. Chính sách này được áp dụng đối với các khoản vay là khoản giải ngân phát sinh mới từ ngày 1/9 có mục đích vay vốn để khôi phục và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh
Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 26/7, các ngân hàng đã miễn, giảm, hạ lãi suất vay vốn cho 787.479 khách hàng với dư nợ 1.395.135 tỷ đồng. Tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng miễn, giảm cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 lũy kế từ 23/1/2020 đến 30/8/2021 là khoảng 18.886 tỷ đồng.
Việc điều hành giảm các mức lãi suất cùng với các giải pháp chính sách tiền tệ đồng bộ đã tác động làm giảm mặt bằng lãi suất cho vay khoảng 1%/năm trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất này vẫn tiếp tục trong những tháng đầu năm 2021 với mức giảm khoảng 0,4%/năm.
Bài viết nổi bật