Để đảm bảo an toàn cho con trẻ khi sống tại các căn hộ chung cư cao tầng, các bậc làm cha làm mẹ cần lưu ý những điều mà BankExpress đề cập dưới đây:

Kiểm tra, thiết kế lại ban công căn hộ cho phù hợp

Hiện nay, nhiều dự án căn hộ chung cư mọc lên như nấm tại các thành phố, khu đô thị lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… Chính vì điều này nên nhiều gia đình dễ dàng lựa chọn cho mình một căn hộ phù hợp để “an cư lạc nghiệp”. Nhưng nếu gia đình có con nhỏ, cần nhất thiết lựa chọn một căn hộ chung cư có thiết kế ban công phù hợp, an toàn. Nếu có thể, hãy nhờ thợ thiết kế lại ban công sao cho an toàn cho con em mình nhất.

Theo BankExpress tìm hiểu, để trẻ an toàn khi sống tại chung cư, lan can ban công căn hộ chung cư cần thiết kế tối thiểu phải cao 1,1m.

Một điều quan trọng khác là không nên làm lan can theo dạng thanh ngang tính từ mặt sàn lên đến đỉnh. Ban công phải được làm bằng các thanh dọc hoặc đặc để tránh trường hợp trẻ con trèo lên dễ dàng.

Các cửa sổ trong căn hộ cần cao tối thiểu 1 mét

Bên cạnh việc thiết kế lại lan can ban công, các bậc phụ huynh cũng lưu ý chiều cao của các cửa sổ trong căn hộ phải tối thiểu 1m tính từ mặt sàn lên bậu cửa sổ, nếu có thể hãy thiết kế tăng chiều cao cửa sổ lên càng cao càng tốt sao cho vừa an toàn, vừa tầm quan sát của hai vợ chồng. Căn hộ nào đáp ứng đủ các tiêu chuẩn trên thì được xem là an toàn với trẻ nhỏ.

Ngoài cửa sổ và ban công, hai vợ chồng bạn cũng nên cân nhắc đến việc có nên lắp lưới an toàn ở ban công và cửa sổ hay không. Việc lắp lưới an toàn sẽ giúp trẻ nhỏ thoải mái vui chơi, còn cha mẹ thì an tâm hơn.

Giám sát trẻ mọi lúc mọi nơi, đặc biệt là sân thượng, thang máy và tầng hầm chung cư

Thực tế chỉ ra rằng hầu hết trẻ nhỏ đều hiếu động, hay có thói quen khám phá những khu vực mới mẻ nhưng lại đầy nguy hiểm để bày trò chơi. Sân thượng, thang máy và tầng hầm thường được các bé yêu thích chơi trốn tìm, hoặc thả diều, đá banh. Những khu vực này thường không có người ra vào thường xuyên, đôi khi không có rào chắn hoặc tường bao rất thấp, nếu vợ chồng không để ý trẻ có thể xảy ra tai nạn.

Sống tại chung cư thì việc đi thang máy mỗi ngày là không tránh khỏi, tuy nhiên các bậc phụ huynh cần giám sát trẻ không được để cho trẻ tự ý ra vào hoặc bấm công tắc điều khiển thang máy, bởi trẻ có thể gặp các chấn thương như: kẹt tay, vấp ngã, hoa mắt chóng mặt, ám ảnh sợ không gian hẹp và nghiêm trọng hơn là những sự cố hỏng thang máy, rơi thang máy luôn có nguy cơ xảy ra tại bất cứ nơi đâu. Không ít trẻ đã bị lạc hoặc vô tình gặp nạn mà không thể có sự trợ giúp kịp thời từ người lớn.

Cuối cùng, khu vực tầng hầm của khu chung cư thường là nơi trông giữ xe hoặc đặt các đường ống dẫn thoát của tòa nhà. Nếu trẻ ở lâu trong tầng hầm có thể gây cảm giác khó thở hoặc chóng mặt, nhất là khi thời tiết nắng nóng. Vợ chồng bạn cần hạn chế tối đa đưa trẻ xuống khu vực này hoặc để trẻ ở lại trong ô tô của tầng hầm.

Những lưu ý khác tuyệt đối phải biết để đảm bảo an toàn cho con nhỏ khi sống ở chung cư

Những nguyên tắc, kỹ năng sống dưới đây rất quan trọng, các bậc phụ huynh nên lưu ý và chỉ bảo thật kỹ cho con để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra:

Thứ nhất: Ba mẹ tuyệt đối không được cho trẻ dưới 6 tuổi ở một mình không có người lớn bên cạnh.

Thứ hai: Ba mẹ tuyệt đối không bế con ra ban công đứng ngóng chơi. Việc cho con đứng ở vị trí chênh vênh như vậy đã tạo cho trẻ cảm giác an toàn nếu như trèo lên lan can hoặc các vị trí nguy hiểm. Điều này sẽ dẫn đến nhiều hậu quả mà chúng ta không thể lường trước được.

Thứ ba: Phòng ngủ của trẻ nhỏ tuyệt đối không được để những vật nặng, sắc nhọn gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.

Thứ tư: Nếu trẻ ở một mình trong phòng, các bậc phụ huynh phải đảm bảo được mọi nguyên tắc an toàn như: không có khoảng không nguy hiểm nào lớn hơn cơ thể của trẻ. Nghĩa là nếu nhà có ban công, các cha mẹ phải làm lưới bảo vệ để các bé không bị gặp nguy hiểm. Ngoài ra, các cha mẹ cũng phải đảm bảo là trong phòng các bé không có những sợi dây nào lòng thòng gây nguy hiểm cho các bé. Những sợi dây này có thể vướng vào cổ của bé, gây khó thở hoặc tử vong.

Phụ huynh cũng phải đảm bảo là trong phòng khi các bé ở 1 mình trong đó sẽ không có các vật thể có thể gây va chạm mạnh dẫn đến chấn thương như bàn kính, tủ kính…. Ngoài ra, các ổ điện cũng phải được lắp các thiết bị bảo vệ để tránh trường hợp các cháu đút tay vào đó khám phá và các thiết bị điện nếu có cũng phải ở xa khả năng cầm với của trẻ.

Bài viết nổi bật