Sức ép lãi suất cho vay tăng trong bối cảnh các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động, nhu cầu vay ngân hàng của người trở thành thách thức khó khăn.

Người đi vay lâm vào thế khó

Sau quyết định tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều ngân hàng đồng loạt thông báo điều chỉnh tăng lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Theo các chuyên gia phân tích, nâng lãi suất điều hành khó tránh được áp lực lên lãi suất đầu ra, dù có độ trễ. Vì vậy người có nhu cầu vay tiền đang lâm vào thế khó.

Anh Thành (Hà Nội) cho biết anh có ý định mua nhà nên đang tìm hiểu thông tin để vay mua nhà tại ngân hàng. Tuy nhiên trong tình hình lãi suất tăng hiện nay, cộng thêm tình trạng room tín dụng hạn hẹp, anh được khuyên rằng thời điểm hiện tại đi vay có phần “thiệt” hơn trước đây và việc giải ngân cũng phải chờ lâu hơn. Ngoài ra khi vay mua nhà thì đều phải kèm theo mua bảo hiểm nhân thọ.

“Tôi được tư vấn rằng nếu vay ở ngân hàng thương mại nhà nước thì rất lâu mới được giải ngân vì họ đang tập trung cho vay doanh nghiệp là chủ yếu. Một ngân hàng nhỏ hơn thì cho biết lãi suất năm đầu khoảng 10,3%/năm và các năm sau thả nổi khoảng 12,6%/năm. Tôi vẫn đang cân nhắc tìm hiểu ở các nơi khác, nhưng hiện tại lãi suất đều tăng và nơi nào cũng cần phải mua kèm bảo hiểm”, anh Thành chia sẻ.

Hiện nhiều ngân hàng đang áp dụng chương trình hỗ trợ trả lãi trong 6-12 tháng đầu tiên và sau đó thả nổi theo thị trường (lãi suất tham chiếu + biên độ dao động 3-5%). Trong bối cảnh hiện nay, nếu lãi suất thả nổi tăng thì cả tiền gốc và lãi khách hàng phải trả cũng sẽ tăng lên, dẫn đến nhiều thách thức cho người đi vay.

Trong tháng 10, một số ngân hàng đã thông báo điều chỉnh tăng lãi suất các gói cho vay mua nhà. BIDV điều chỉnh tăng lãi suất từ 6,2%/năm lên 7,7%/năm trong tháng này, mức điều chỉnh tương ứng là 1,5 điểm %. Techcombank điều chỉnh tăng lãi suất mạnh nhất đến 3,9 điểm %, nâng lãi suất vay mua nhà lên mức 10,59%/năm.

Không chỉ các khách hàng cá nhân, lãi suất tăng cũng là vấn đề đối với doanh nghiệp trong bối cảnh nhu cầu tín dụng cũng như tăng vốn tăng cao trong những tháng cuối năm.

Anh Nam, nhân viên tín dụng tại một ngân hàng cổ phần, cho hay trong quý IV nhu cầu bổ sung vốn tăng mạnh nên dù lãi suất tăng nhưng các doanh nghiệp vẫn phải tìm đến vốn ngân hàng. Anh cho biết việc lãi suất tăng là tình trạng chung hiện nay.

VPBank đã cập nhật hai lần về lãi suất cho vay mới dành cho doanh nghiệp là 23/9 và 12/10.  Sau lần điều chỉnh lãi suất mới nhất vào ngày 12/10, lãi suất cho vay áp dụng tại VPBank ở mức 9-9,4%/năm với thời gian gian vay vốn 6-12 tháng. Với thời gian vay vốn từ 3 năm trở lên, lãi suất điều chỉnh 3 tháng/lần và ở mức từ 10%/năm trở lên.

Lãi suất cho vay chịu áp lực tăng trong bối cảnh các ngân hàng liên tục thông báo điều chỉnh lãi suất huy động. MB, Techcombank, Nam A Bank, Bac A Bank,… và cả Big 4 ngân hàng cũng đã thông báo tăng lãi suất huy động, trong đó VPBank đã thông báo điều chỉnh lãi suất hai lần kể từ khi NHNN quyết định nâng lãi suất điều hành.

Lãi suất có còn tăng trong thời gian tới?

Theo cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV/2022 của Ngân hàng Nhà nước, khoảng 60% tổ chức tín dụng kỳ vọng lãi suất tăng bình quân 0,37 điểm % trong quý IV và 66 – 69% tổ chức tín dụng kỳ vọng lãi suất tăng bình quân 0,56 – 0,57 điểm % trong quý IV/2022. 

Theo các chuyên gia nhận định, lãi suất huy động sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. VNDirect cho rằng lãi suất huy động sẽ tăng nhanh trong nửa cuối năm 2022 trở đi do nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng tăng lên do hạn mức tín dụng mới và chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng-huy động.

Ngoài ra, Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất hơn nữa vào cuối năm 2022 và đồng USD tăng giá mạnh gây áp lực lên tỷ giá và lãi suất cũng là nguyên nhân khiến lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo Mirae Asset, khả năng cao sẽ có thêm các đợt tăng lãi suất nữa trong quý IV/2022 hay 6 tháng đầu năm 2023. Các chuyên gia nhận định nhiều khả năng NHNN sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất điều hành, tuy nhiên mốc thời gian tăng sẽ tùy thuộc nhiều vào diễn biến tỷ giá cũng như vấn đề thanh khoản của hệ thống.

Trong lần phát biểu gần đây,Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết dù tăng lãi suất điều hành, NHNN cũng sẽ vận động các tổ chức tín dụng đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả quản trị, cắt giảm chi phí để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên.   

  Nguồn: (Bloomberg, Mirae Asset Vietnam Research) 

Trong LandShow số 22 của VTV Money, Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định động thái tăng lãi suất của NHNN là hợp lý để chống lạm phát và ổn định giá trị của tiền đồng.

“NHNN có lẽ khó có thể làm hai việc cùng một lúc. Một mặt chúng ta muốn kiểm soát lạm phát và do đó NHNN đã tăng lãi suất để giảm cung tiền. Một khác chúng ta lại muốn đảm bảo nguồn tiền cho các nhu cầu vay mua nhà của người dân với chi phí rẻ. Ở thời điểm này, cần ưu tiên kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá”, chuyên gia nhận định.

Theo ông Hiếu, các ngân hàng thương mại nên có những định hướng mới nhằm phục vụ cho xã hội hơn là tập trung vào các đại gia bất động sản hoặc những dự án lớn với lợi nhuận cao mà không có những chương trình cho vay phù hợp với người có thu nhập thấp.

Bài viết nổi bật