Thời gian đọc: 4 phút

Ngày 19/12/2019, Thời báo Kinh tế Việt Nam chủ trì tổ chức Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên với chủ đề “Xu thế dòng tiền vào bất động sản 2020″

Tham dự Diễn đàn có đại diện Cục Quản lý nhà & Thị trường Bất động sản – Bộ Xây dựng, Hội môi giới bất động sản, các chuyên gia kinh tế, tài chính, thị trường bất động sản cùng hơn 200 tập đoàn, doanh nghiệp ngành bất động sản Việt Nam.

(Livestream) DIỄN ĐÀN BẤT ĐỘNG SẢN VIỆT NAM:"XU THẾ DÒNG TIỀN VÀO BẤT ĐỘNG SẢN 2020"

Posted by VnEconomy on Wednesday, December 18, 2019

Hệ sinh thái bất động sản

Bất động sản là tài sản lớn của mỗi quốc gia, ước tính thị trường Bất động sản chiếm khoảng 40% lượng của cải vật chất, 30% tổng hoạt động của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu ở và là tài sản lớn của mỗi tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Thị trường bất động sản là kênh hữu hiệu huy động nguồn tài chính dồi dào trong và ngoài nước phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, hạ tầng cơ sở, góp phần kích thích các ngành sản xuất liên quan, tăng nguồn thu cho ngân sách và giải quyết lao động việc làm. 

Theo đó, thị trường bất động sản là một trong những thị trường có giá trị tạo động lực, kéo theo và gia tăng sự đóng góp của các thị trường khác vào nền kinh tế, có quan hệ trực tiếp với các thị trường tài chính – tiền tệ, thị trường xây dựng, vật liệu xây dựng, thị trường lao động và nhiều năm trở lại đây đã thể hiện rất rõ trong thị trường du lịch. Có thể nói, xoay quanh Bất động sản là một hệ sinh thái kinh tế liên quan và cộng hưởng lẫn nhau. 

Toàn cảnh Diễn đàn BĐS Việt Nam

Trong bối cảnh thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng “toàn cầu hóa bất động sản”, mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong nước ra mua nhà nước ngoài và người nước ngoài vào mua nhà và đầu tư tại Việt Nam. Có thể nói, thị trường bất động sản Việt Nam đã chính thức hội nhập quốc tế, chính thức mở cửa, đón những dòng vốn đầu tư nước ngoài. 

Theo thống kê của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tỷ trọng nguồn vốn rót vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện đứng thứ hai, chiếm gần 30% tổng dư lượng FDI đầu tư vào Việt Nam. Nhiều chuyên gia nhận định, việc bất động sản Việt Nam hút được đầu tư nước ngoài được kỳ vọng sẽ giúp chuẩn hóa thị trường bất động sản Việt Nam. 

Việt Nam đang chứng kiến sự đô thị hóa mạnh mẽ tại các đô thị lớn, đặc biệt ở hai thành phố lớn nhất, sôi động nhất là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và các khu kinh tế trọng điểm. Dự báo đến năm 2020, dân số thành thị sẽ lên đến 46 triệu, tương đương khoảng 45% dân số cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa dự kiến tăng lên 46% vào năm 2025. 

Ước tính trong vòng 10 năm tới, tổng nhu cầu nhà mới có thể lên đến 5,1 triệu căn trong phân khúc nhà giá thấp và trung bình. Tốc độ đô thị hóa không chỉ khiến nhu cầu về nhà ở tăng mà còn kích cầu bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng. Điều này đã đặt ra những nhiệm vụ và giải pháp cấp thiết để có thể cấu trúc phù hợp và hiệu quả trước áp lực mật độ dân cư tại các khu đô thị. 

Trong bối cảnh chúng ta đang sắp sửa bước qua năm 2019, chào đón năm 2020 thì cũng là lúc giới đầu tư đang có những suy nghĩ, những dự báo khác nhau về triển vọng của thị trường bất động sản trong năm tới.  Đặc biệt là câu chuyện nguồn vốn, dòng tiền cho bất động sản sẽ như thế nào trong năm 2020 khi mà Chính phủ có chủ trương kiểm soát chặt chẽ hơn về tín dụng vào lĩnh vực này. 

Dòng vốn tích cực vào Bất động sản

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết thị trường bất động sản 2019 và 2020 tiếp tục đón dòng vốn tích cực. Dòng vốn này đa dạng, đến từ 5 nguồn:

Nguồn vốn thứ nhất là vốn tín dụng, theo NHNN, vốn tín dụng cho bất động sản vẫn đang tăng khá tốt, khoảng 14,6% tính đến hết tháng 9/2019 (so với mức tăng tín dụng chung là 9,4%). Trong đó, cho vay kinh doanh bất động sản tăng khoảng 5,5% với tổng dư nợ khoảng 550 ngàn tỷ đồng (chiếm khoảng gần 7% tổng dư nợ của toàn bộ nền kinh tế); cho vay để mua nhà, sửa nhà tăng 19,6%, chiếm khoảng 11,8% tổng dư nợ toàn bộ nền kinh tế.

Nguồn vốn thứ hai là đầu tư nước ngoài (FDI), tổng nguồn vốn đăng kí và góp vốn là 4,8 tỷ USD (chiếm 15% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam). Trong đó, đăng ký mới và bổ sung vào khu vực bất động sản đạt khoảng 2,86 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đăng ký mới.

Nguồn vốn thứ ba là tư nhân, 11 tháng đầu năm có 16 nghìn doanh nghiệp xây lắp thành lập mới, tăng 2%; 7,3 nghìn doanh nghiệp bất động sản thành lập mới, vốn tăng 27,5%.

Nguồn vốn thứ tư là trái phiếu doanh nghiệp, 11 tháng đầu năm 2019, tổng trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành đạt 237.000 tỷ đồng, riêng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đạt 71.000 tỷ đồng. Đây là một nguồn vốn quan trọng của thị trường bất động sản.

Nguồn vốn thứ năm là Fintech (công nghệ tài chính). Trên thực tế, hiện Fintech mới chỉ dừng lại ở việc thanh toán nhưng xa hơn, fintech sẽ có vai trò trong việc huy động vốn vào đầu tư bất động sản hoặc góp phần tạo nên hệ sinh thái bất động sản.

Nguồn vốn ngân hàng vẫn áp đảo

Dù thị trường bất động sản đón nhận “đa dạng hóa” dòng vốn nhưng nguồn vốn từ tín dụng ngân hàng vẫn đang đóng vai trò chủ đạo. Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho hay, hiện nguồn vốn ngân hàng đang chiếm đến 60% dòng vốn đổ vào thị trường bất động sản, 40% còn lại là đến từ FDI, tư nhân, trái phiếu doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng xu thế áp đảo của dòng vốn ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục trong năm 2020.

Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục ban hành Thông tư 22, với nội dung sẽ siết lại các hoạt động của ngân hàng theo hướng “an toàn hơn”. Theo đó, thông tư 22 quy định rõ lộ trình tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Theo đó, từ 1/1/2020 đến 30/9/2020 tỷ lệ này là 40%; từ 1/10/2020 đến 30/9/2021 là 37%; từ 1/10/2021 đến 30/9/2022 là 34% và kể từ 1/10/2022 sẽ giảm xuống còn 30%.

Như vậy, với thông tư này, việc cho vay trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục bị hạn chế, hệ số rủi ro cho vay kinh doanh bất động sản tăng từ 150% lên 200%. Tuy nhiên, ông Lực cho rằng thông tư này là cần thiết để định hướng tín dụng vào những chỗ bất động sản gắn với thực tiễn, hạn chế hoạt động đầu cơ. Thông tư 22 cũng sẽ giúp thị trường trở nên lành mạnh khi khuyến khích cho vay xây và sửa chữa nhà.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho biết khoảng 3 năm nay thị trường ngân hàng ổn định. Đáng chú ý, khối ngân hàng thương mại năng lực tài chính tăng gấp đôi, đạt mức bình quân của Đông Nam Á với tỷ lệ lãi ròng trên vốn tăng cao. Ông Nghĩa khẳng định sự ổn định này sẽ không tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản.

Ông Nghĩa không phủ nhận việc chính sách của Ngân hàng Nhà nước là có kiểm soát và thắt chặt với bất động sản nhưng cho rằng mức độ thắt này còn khá “lỏng”. Ông Nghĩa nhấn mạnh, cần phải coi trọng dòng vốn ngân hàng vào bất động sản bởi dòng vốn ngân hàng là dài hạn, đảm bảo cho ngân hàng và bất động sản phát triển một cách vững chắc.

BankExpress tổng hợp và phân tích

Bài viết nổi bật

error: Content is protected !!